Suy dinh dưỡng ở trẻ em thành thị

 

 
Theo số liệu điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2013 cả nước có 15% trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và đến 25,9 % trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, là tình trạng trẻ chậm phát triển chiều cao, có chiều cao theo tuổi chỉ đạt dưới 90% so với chiều cao chuẩn. 
 

Suy dinh dưỡng thấp còi phản ánh tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính kéo dài hoặc là hậu quả của một quá trình tích lũy bắt đầu xảy ra từ thời kỳ bào thai và kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Tỷ lệ này không đồng đều ở các địa phương, các vùng kinh tế còn khó khăn, vùng sâu, cùng xa tỷ lệ suy dinh dưỡng còn rất cao, các thành phố lớn, vùng kinh tế phát triển tỷ lệ này thấp hơn. Tại thành phố Hồ Chí Minh, con số này là 4,1 và 6,7%, thấp hơn rất nhiều so với cả nước. Dù vậy, với tổng số trẻ trong độ tuổi của thành phố Hồ Chí Minh hiện nay gần 500.000 trẻ thì tổng số trẻ em suy dinh dưỡng của thành phố Hồ Chí Minh cũng không phải là nhỏ. Điều này cho thấy với một thành phố lớn năng động hiện đại, đời sống kinh tế tốt hơn nhưng số trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn rất nhiều và rất đáng quan tâm.

Suy dinh dưỡng thường ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực, sức khỏe và bệnh tật của trẻ trước mắt và lâu dài. Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi sẽ có chiều cao thấp ở tuổi trưởng thành ảnh hưởng đến tầm vóc nòi giống dân tộc.

Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường gặp từ giai đoạn bào thai, những năm đầu đời cũng như cả thời thơ ấu. Nguyên nhân có nhiều, tuy nhiên phần lớn liên quan đến kiến thức dinh dưỡng, thiếu sữa mẹ, cho trẻ ăn chưa đủ nhu cầu, chế độ ăn không cân đối, chưa chăm sóc tốt dinh dưỡng trong thời gian trẻ bệnh...

Sơ sinh nhẹ cân

Trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2.500g, có thể do sinh non, dị tật bẩm sinh, do suy dinh dưỡng bào thai do mẹ thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách hoặc mắc bệnh trong thời kỳ mang thai làm cho thai nhi chậm phát triển trong tử cung. Trẻ không những nhẹ cân mà còn thiếu chiều dài, đây là đối tượng có nguy cơ cao suy dinh dưỡng nếu không được chăm sóc đúng cách.

Không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ

Một thực trạng đáng buồn liên quan đến suy dinh dưỡng trẻ em ở các thành phố lớn có thể kể đến là sữa mẹ, phần lớn trẻ mất đi cơ hội được hưởng nguồn dinh dưỡng cân đối, giàu dưỡng chất, giàu kháng thể giúp trẻ tăng trưởng tốt và phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn. Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu tại các thành phố lớn rất thấp dù việc truyền thông về vai trò sữa mẹ vẫn luôn được chú trọng. Có thể do điều kiện kinh tế tốt hơn, trong khi áp lực công việc, thời gian lại nhiều hơn hoặc nhiều người có tư tưởng ưa chuộng sữa ngoại nhập và tin rằng nó tốt không thua kém sữa mẹ... Thực tế, sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ, đặc biệt là trong 6 tháng đầu mà không có loại thức ăn nào có thể so sánh được. Chỉ nên cho trẻ bú sữa công thức thay thế trong những trường hợp đặc biệt không có sữa mẹ hoặc mẹ mắc bệnh chống chỉ định cho con bú mẹ.

Cho trẻ ăn uống không đúng cách

Cho ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi), chế độ ăn không cân đối, không biết cách cho trẻ ăn thêm bột, rau, trái cây, đạm, đặc biệt là chất béo … từ lúc 6 tháng tuổi. Không cho ăn cả xác (thịt, cá, rau, củ...) mà chỉ hầm lấy nước, cho ăn không đủ nhu cầu của trẻ, dễ dẫn đến thiếu hụt protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng (kẽm, sắt, iod, vitamin A… ) ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Cho ăn vặt kẹo, bánh, nước ngọt... là những thức ăn chỉ cung cấp năng lượng rỗng không cung cấp dinh dưỡng lại làm trẻ ngang dạ, chán ăn các bữa chính lâu dần gây thiếu dinh dưỡng. 
Không ép trẻ ăn khi mắc bệnh, lại dễ dàng kiêng cữ mọi thứ khi trẻ bệnh, chỉ cho ăn cháo muối hoặc cháo đường kéo dài nhiều ngày...

Ảnh hưởng của môi trường

Vấn đề ô nhiễm môi trường do khói bụi, trẻ sống trong những khu dân cư đông đúc kém vệ sinh hoặc nguồn thực phẩm cung cấp cho trẻ chưa đảm bảo an toàn... tại các thành phố lớn cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa, dị ứng... cũng gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng bình thường của trẻ, làm gia tăng trẻ suy dinh dưỡng. 
Chú ý dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ có thai và cho con bú, đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, cân nặng và chiều dài đạt chuẩn, mẹ đủ sữa cho trẻ và biết được giá trị tuyệt vời của sữa mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho ăn bổ sung hợp lý, giữ gìn môi trường sống trong lành, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêm phòng đầy đủ... là những biện pháp giúp phòng chống hiệu quả suy dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển tối ưu về tầm vóc, trí tuệ.

(BS CK1 Trần Thị Minh Nguyệt - Thành viên HĐQT Công ty NutiFood)

 

Xem thêm các chủ đề:

Bạn hỏi,

Chuyên gia NutiFood
trả lời

Trao đổi trực tiếp cùng chuyên gia dinh dưỡng của NutiFood để có giải pháp hữu ích và thiết thực nhất cho tình trạng sức khỏe bé yêu.

Câu chuyện

thành công

Là nụ cười của cha khi con vẫy tay “Thưa cha, con đi học”. Là những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ vì cỡ bỉm của con đã tăng lên một size. Là những niềm vui sướng của cô khi các bé hôm nay hoạt bát quá. Là những hân hoan của các chuyên gia phát triển trẻ em ngày đêm nỗ lực cống hiến.
Chỉ có những người đã, và đang làm cha, làm mẹ và những ai đảm nhận trọng trách thiêng liêng trong bước đường phát triển của một đứa trẻ mới hiểu được rằng: Đăng sau mỗi câu chuyện thành là cả một hành trình.